CHIA SẺ

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI MÃNG CẦU XIÊM THÁI

Sâu bệnh hại Mãng Cầu Xiêm Thái là một trong những nỗi lo thường trực của Bà con trồng cây. Để có được Vườn Mãng Cầu Xiêm khỏe mạnh, năng suất cao, trái đẹp Bà con cần chú ý biện pháp quản lý tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Bà con nên thường xuyên thăm vườn, xác định đúng đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trị cho phù hợp.


Phòng trừ sâu bệnh hại Mãng Cầu Xiêm Thái

Rầy Mềm, Rệp Sáp

Những loại côn trùng này sẽ chích hút đọt non, hoa, trái làm cây giảm sức sinh trưởng và rụng hoa trái non, giảm giá trị trái lớn. Cách phòng trị Bà con có thể dùng các thuốc trừ Rầy Rệp có hoạt chất như Imidaloprid, Acetamiprid, Chlopyriphos ethyl,…

Các loài Sâu Ăn Lá, Bọ Trĩ, Nhện Đỏ

Khi gặp những loại sâu này Bà con nên phun thuốc có hoạt chất Abamectin (Brightin, Vibamec, Reasgant), Emamectin (Vimatox, Acplant, Ematin) khi sâu có mật độ cao.

Bệnh Thán Thư, Thối Trái

Nguyên nhân gây bệnh là do nấm, nấm gây hại trên tược non, hoa, trái non lẫn trái trưởng thành. Bà con phòng trị bằng các loại thuốc có hoạt chất như Carbendazim (Bavistin), Difenoconazole (Score), Propineb (Antracol), Tilt Super, Topsin M…


Các loài Sâu Ăn Lá, Bọ Trĩ, Nhện Đỏ hại Cây Mãng Cầu Xiêm Thái

Bệnh Thối Rễ, Chết Cành

Tác nhân gây bệnh phức tạp hơn, bệnh là do sự kết hợp giữa nấm, tuyến trùng và Rệp Sáp. Thông thường khi cây mắc bệnh sẽ có biểu hiện như sinh trưởng kém dần, lá vàng nhợt nhạt, héo úa và rụng từ từ, chết nhánh, gây thương tổn trên thân. Nhất là rễ cái của cây bị hoại tử, thối đen, dẫn đến chết cây.

Cách phòng trị

Bà con nên cắt tỉa tàn, nhánh bị bệnh, vệ sinh vườn và làm cỏ dại. Mặt khác sử dụng thêm một số loại thuốc đặc trị để xử lý Rệp Sáp, Nấm; bón bổ sung thêm các phân bón trung vi lượng và phân NPK cần thiết nhằm cải tạo lại đất, hạ phèn, giúp rễ cây phát triển trở lại.


Bệnh Thối Rễ, Chết Cành trên Cây Mãng Cầu Xiêm Thái

Bà con, có thể sử dụng các loại thuốc trị nấm như Dakamon, Mancozeb 80WP và thuốc trừ Rầy Rệp có hoạt chất như Imidaloprid, Acetamiprid, Chlopyriphos ethyl,… Đối với tuyến trùng sử dụng thuốc Nokaph 10GR với liều lượng 40g/gốc, xử lý 1 lần vào thời điểm sau khi cắt tỉa, vệ sinh vườn đầu vụ.